Có nên dạy trẻ nhường đồ chơi cho bạn khác hay không là điều mà mọi bà mẹ đều quan tâm bởi hiện nay có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Vì vậy, bài viết sau sẽ giúp bạn phân tích những mặt tốt và không tốt của việc dạy trẻ nhường đồ chơi để bạn có thể đưa ra một quyết định hợp lý nhất.
Những lợi ích của việc dạy trẻ nhường đồ chơi
Từ trước đến nay, nhường đồ chơi cho bạn luôn được coi là một hành động đẹp, cần được khuyến khích và biểu dương. Vì thế, dạy cho trẻ nhường đồ chơi cũng có nghĩa là bạn đang dạy con làm những điều tốt đẹp để từ đó, bé học được cách thông cảm, chia sẻ và hào phóng với người khác.
Thông thường, những trẻ trong độ tuổi từ 1 – 6 đều có tính sở hữu rất cao nên vai trò của ba mẹ trong việc dạy trẻ biết nhường nhịn đồ chơi là rất lớn. Nếu có thể dạy cho bé được điều này, con bạn sẽ có tiền đề để trưởng thành tốt hơn trong tương lai. Bé sẽ nhận thức được nhu cầu của người khác và đáp ứng nó trong khả năng của mình một cách tốt nhất. Như vậy, con bạn sẽ không chỉ có sự trưởng thành về suy nghĩ mà còn có sự trưởng thành về hành động.
Những mặt trái khi dạy trẻ nhường đồ chơi
Mặc dù nhường đồ chơi là một hành động đẹp nhưng thật ra nó chỉ có ý nghĩa khi đây hành động tự nguyện, xuất phát từ ý muốn của bé. Ngược lại, trong trường hợp bạn bắt bé phải nhường đồ chơi của mình cho bạn mà bé không hề muốn thì điều này lại có thể tạo ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sự phát triển của trẻ sau này.
Con bạn có thể sẽ nghĩ rằng bất kỳ đồ chơi nào mình đang sở hữu cũng phải chia sẻ cho người khác và nếu muốn có được một món đồ chơi của người khác, bé chỉ cần nhờ bố mẹ can thiệp. Đó là lý do vì sao bạn thường thấy con mình mè nheo, khóc lóc mỗi khi bé muốn lấy một món đồ không phải của mình cho đến khi giành được nó mới thôi. Chính điều này dần dần tạo nên sự ích kỷ và tham lam ở trẻ, đồng thời còn làm trẻ cảm thấy khó chịu và bực tức.
Vậy mẹ nên làm gì?
Trong trường hợp con bạn không nhường đồ chơi cho người khác, bạn không cần phải quá lo lắng bởi đây là một tính cách tự nhiên của trẻ. Lúc này, bạn nên giải thích cho bé một cách nhẹ nhàng để bé nhường cho bạn đồ chơi nhưng không được ép trẻ. Bạn có thể nói “ khi nào con chơi chán thì cho bạn mượn đồ chơi nhé” hoặc “nếu con không chơi món đồ chơi này nữa thì để mẹ cất nha”. Như vậy, bé sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Tóm lại, bạn nên để bé tự lựa chọn việc có cho bạn đồ chơi hay không, từ đó bé sẽ tự tư duy và đưa ra quyết định một cách vui vẻ nhất.
Bên cạnh đó, trong trường hợp con bạn muốn giành đồ chơi của người khác, bạn cũng không được chiều theo ý trẻ dù trẻ có mè nheo đến đâu. Bạn nên giải thích một cách khéo léo để trẻ biết rằng không phải đồ chơi nào cũng là của mình hoặc trẻ phải đợi đến lượt mới được chơi. Như vậy, bé sẽ học được cách kiên nhẫn hơn trong cuộc sống.
Minh Thư